Phân tích: Mùa xuân nho nhỏ - Thanh Hải
Nhắc đến tên tuổi của nhà thơ Thanh Hải thì từ trong mỗi trái tim những người yêu thơ ca sẽ nhớ đến. Ông là nhà thơ xứ Huế với phong cách sáng tác nhẹ nhàng, tinh tế, ngôn ngữ giàu hình ảnh, nhạc điệu, cảm xúc chân thành đằm thắm. Thanh Hải là một hiện tượng chứng minh rằng cách mạng đã sinh ra ông, ông là nhà thơ cách mạng. Trong suốt ba mươi năm cầm sung và cầm bút, trải qua nhiều gian khổ, Thanh Hải vẫn giữ được tư thế ấy: kiên trung, bất khuât. Nhà thơ - chiến sĩ ấy đã làm việc đến phút chót của cuộc đời mình. Bài thơ mùa xuân nho nhỏ được Thanh Hải sáng tác vào mùa đông năm 1980 lúc ông đang bị bệnh nặng và chỉ mấy tuần sau ông qua đời. Bài thơ như một bông hoa lưu hương sắc mà Thanh Hải đã để lại trong lòng độc giả những rung động về vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước và những khát vọng cao đẹp của ông.
Mùa xuân xưa nay luôn là đề tài quen thuộc của thơ ca, với độc giả thì nó chẳng có gì xa lạ nhưng nó chưa bao giờ xưa cũ trong đôi mắt của thi nhân. Thật vậy, mở đầu bài thơ Thanh Hải đã đưa người đọc đến với khung cảnh thiên nhiên trong trẻo và tràn đầy sức sống của mùa xuân xứ Huế:
“Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
hót chi mà vang trời.”
Chỉ vài nét chấm phá, Thanh Hải đã vẽ nên bức tranh xuân mang đậm phong vị của xứ Huế. “Dòng sông xanh” gợi nhắc về những khúc sông uốn lượn của dải đất miền Trung quanh co, đó không phải là “dòng sông trong mát” (Vàm Cỏ Đông – Hoài Vũ) cũng không phải là “dòng sông đỏ nặng phù sa” (Đất nước – Nguyễn Đình Thi). Đó chỉ có thể là màu nước của Hương Giang thơ mộng, một vẻ đẹp lắng đọng của xứ Huế mộng mơ. Trên gam màu xanh lơ của dòng sông thơ mộng nổi bật lên một “bông hoa tím biếc”, bông hoa ấy có thể là hoa lục bình, hoa súng quen thuộc ta hay gặp trên ao hồ, sông nước làng quê:
“Con sông nhỏ tuổi thơ ta tắm
Vẫn còn đây nước chẳng đổi dòng
Hoa lục bình tím cả bờ sông.”
(Trở về quê nội – Lê Anh Xuân)
Hay
“Trên dòng sông hoa lục bình nở tím
Khua mái chèo nàng áo tím bang khuâng.
(Hoa lục bình –Thanh Thủy)
Từ “Mọc” được đảo ra đầu câu bằng biện pháp đảo ngữ gợi liên tưởng về một bông hoa đang từ từ vươn lên từ mặt nước tràn đầy sức xuân và sắc xuân. Đồng thời như tô đậm thêm sức sống mùa xuân đang đâm chồi nảy lộc một cách mạnh mẽ. Trong giây phút ấy, nhà thơ ngẩng đầu nhìn lên bầu trời và vui sướng lắng tai nghe chim chiền chiện hót vang:
“Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời.”
Tiếng chim chiền chiện vút cao phải chăng là nốt thăng rộn ràng, tươi vui của cung đàn mùa xuân, tiếng chim “hót” ngân vang kéo dài một âm sắc thanh thót, tiếng chim ấy như lan tỏa, hòa nguyện vào bầu trời xuân. Với thán từ “ơi” đặt ở đầu câu, một từ “chi” đi sau từ “hót” đã đưa cách nói dịu êm, ngọt ngào, thân thương của người Huế vào nhạc điệu thơ mà gợi thương, gợi nhớ:
“Trái me chua em làm mứt để dành
Mạ vẫn nói: ưng nhau thì đợi.”
(Mùa xuân Huế - Thanh Hải)
Nhưcon tằm, nhà thơ đã rút những sợi tơ của lòng mình để dệt nên bức tranh thiên nhiên mùa xuân trong trẻo, tinh khôi bằng tất cả tình yêu trong trái tim mình. Vàkhi đối diện với vẻ đẹp ấy, cho dù là ai cũng phải ngỡ ngàng, xao xuyến đến say sưa:
“Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng.”
Ôi thật đẹp biết bao! Những giọt long lanh của nàng chúa xuân diễm lệ. “Giọt long lanh” ở đây phải chăng là giọt mưa, giọt sương, giọt nắng hay giọt âm thanh mà tiếng chim chìm chiện vang vọng trong không gian ngưng đọng lại thành từng giọt trong vắt, “long lanh”. Như một món quà tặng của thiên nhiên xứ Huế, thi nhân đã vội vàng đưa đôi bàn tay để hứng lấy một cách trân trọng. Từ chổ cảm nhận tiếng chim bằng thính giác chuyển thành xúc giác, một cách sáng tạo đầy gợi cảm, vừa có tính tạo hình vừa là sự chuyển đổi cảm giác tuyệt vời trong thơ ca. Sự chuyển đổi cảm giác này thể hiện sự say sưa, ngây ngất, nâng niu của nhà thơ trước vẻ đẹp của thiên nhiên đất trời vào xuân. Niềm vui đó, hạnh phúc đó hoàn toàn khác với tâm trạng buồn chán trước cảnh xuân đất nước đang đắm chìm trong đêm đen nô lệ:
“Tôi có chờ đâu, có đợi đâu
Đem chi xuân lại gợi thêm sầu ?
Với tôi, tất cả như vô nghĩa
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau.”
Chỉ với vài nét vẽ, đan xen một chút chất nhạc, Thanh Hải đã phác họa được một bức tranh có cái hồn của thiên nhiên xứ Huế. Nó đủ đầy cả màu sắc, hình ảnh, âm thanh. Từ đó, bộc lộ được niềm say sưa, ngây ngất của tác giả trước thiên nhiên đất trời mùa xuân.
Từ vẻ đẹp thanh khiết của mùa xuân thiên nhiên, cảm hứng tuôn trào như dòng sông sóng vỗ, nhà thơ đã mở rộng để khám phá, ngợi ca vẻ đẹp mùa xuân bất tận của đất nước:
“Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy trên lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ.”
Nhà thơ cảm nhận mùa xuân đất nước qua hình ảnh “người cầm súng” và “người ra đồng” biểu trưng cho hai nhiệm vụ quan trọng của đất nước là chiến đấu để bảo vệ độc lập dân tộc và lao động xây dựng phát triển đất nước. Tuy trải qua năm năm kể từ ngày đất nước được thống nhất, bắc nam xum họp một nhà cả nước đồng lòng tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội nhưng bước đầu vẫn gặp phải những khó khăn, gian khổ và còn lạc hậu. Bên cạnh đó đất nước còn phải gồng mình chống lại giặc ngoại xâm bởi tiếng súng vẫn nổ ở biên giới phía bắc và phía tây nam của tổ quốc. Điệp từ “mùa xuân”, “lộc” gợi quang cảnh mùa xuân tươi đẹp đang vươn những chồi non, lộc non đồng thời thể hiện niềm tin của nhà thơ vào một tương lai tươi sáng, độc lập của đất nước và khẳng định công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước đã bước đầu đạt được những thành quả tốt đẹp.
Từ mảnh đất vừa thoát khỏi đau thương của chiến tranh, tất cả như đang rạo rực, như đang nảy nở, sinh sôi trong cái men say của mùa xuân tựa một điệp khúc dâng lên sức xuân bất tận:
“Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao.”
Điệp từ “tất cả” đi liền với những từ láy “hối hả”, “xôn xao” làm cho nhịp thơ trở nên nhanh, gấp, gợi một nhịp sống sôi động, hối hả, khẩn trương trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước.
Sức sống của mùa xuân đất nước còn được cảm nhận qua những thanh âm xôn xao của đất nước bốn nghìn năm văn hiến, trải qua biết bao thăng trầm để vươn lên phía trước và khi mùa xuân về lại tiếp thêm sức sống để bừng dậy, được hình dung qua hình ảnh so sánh rất đẹp:
“Đất nước bốn ngàn năm
Vất vả và gian lao.”
Câu thơ như trầm xuống, lắng sâu trong nhịp điệu cùng hình ảnh bộc lộ niềm hoài cảm của nhà thơ về những trang sử vàng của dân tộc trong suốt tiến trình lịch sử hình thanh và phát triển. Đó như là một lời tổng kết về chặng đường “bốn nghìn năm” với bao “vất vả”, “gian lao”, thăng trầm và thử thách. Trong suốt chiều dài lịch sử ấy, đất nước trải qua bao đau thương, mất mát, song đã khẳng định được ý chí và sức mạnh và bản lĩnh của dân tộc mình. Nguyễn Trãi từng viết:
“Như nước Đại Việt ta từ trước’
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.”
(Bình Ngô Đại Cáo – Nguyễn Trãi)
Hay:
“Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa.”
(Đất nước – Nguyễn Đình Thi)
Không tự hào sao được khi đất nước đi lên từ những “vất vả”, “gian lao”. Một đất nước vừa chống giặc vừa gồng mình chống lại thiên tai: “Sáng chống bão giông/ Chiều ngăn nắng lửa” (Đất nước – Tạ Hữu Yên), đói nghèo nhưng không bao giờ khuất phục. Đúng là:
“Việt Nam ơi, Việt Nam!
Tiếng súng tiếng gươm không bao giờ dứt
Bởi tổ quốc ta không bao giờ chịu nhục
Dân tộc ta không chịu cúi đầu.”
(Việt Nam của tôi – Huy Cận)
Khó khăn là thế, nhưng đất nước vẫn vươn mình về phía trước như khẳng định sự trường tồn và phát triển của dân tộc:
“Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước”
Hình ảnh so sánh “đất nước như vì sao” gợi ý nghĩa về một dân tộc Việt Nam từ quá khứ đêm tối, nô lệ đã phá tan xiềng xích của phong kiến, thực dân để đứng dậy tỏa sáng. Đồng thời thể hiện niềm tin của tác giả vào một tương lai tươi sáng, rộng mở với khí thế đi lên không gì cản nổi. Cụm từ “cứ đi lên” nói lên ý chí, lòng quyết tâm và niềm tin sắt đá của nhà thơ và cả dân tộc về tương lai tươi sáng của đất nước. Giọng thơ vừa tha thiết, trang trọng vừa sôi nổi đã gói gọn niềm tin yêu của nhà thơ vào đất nước.
Say sưa trong khúc nhạc mùa xuân, tơ lòng của tác giả cứ ngân lên như cây đàn muôn điệu về bản hòa ca thiên nhiên, đất nước. Mùa xuân với mỗi người đều gợi lên những khao khát và hi vọng. Với Thanh Hải cũng vậy, đây chính là thời điểm mà ông nhìn lại cuộc đời và bộc bạch những tâm niệm cũng như khát vọng và lí tưởng sống cao đẹp của mình:
“Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến”
Lời thơ như ngân lên thành khúc ca. Điệp ngữ “ta làm” vang lên ở đầu những câu thơ như một sự khẳng định những ước nguyện chính đáng cao đẹp, thể hiện một tâm hồn khát khao được làm việc, được cống hiến cho đời. Không mơ ước những gì to tát, cao siêu, nhà thơ chỉ ước làm một “con chim hót” để cất tiếng ảnh lót như chim chiền chiện góp phần làm cho mùa xuân quê hương thêm rạo rực, sống động. Nhà thơ nguyện làm canh hòa, “một cành hoa” nhỏ bé, trắng trong, thanh khiết, tô điểm thêm hương sắc cho mùa xuân quê hương. Thế rồi, không mơ làm một nốt nhạc cao vút trong bản hòa ca của dân tộc, nhà thơ khiêm nhường làm “một nốt trầm xao xuyến” lòng người, nốt trầm ấy góp phần làm nên sự thành công của bản hòa ca.
Lời thơ đó vẫn sâu lắng, ngân nga thành lời ca bất tận. Nếu đoạn đầu xưng “tôi” kín đáo thì đến khổ thơ này nhà thơ lại xưng “ta” đó không phải là cái “ta” của Xuân Diệu trước cách mạng tháng tám:
“Ta là Một, là Riêng là thứ Nhất
Không có chi bè bạn nổi cùng ta,”
Mà đó là biểu hiện của cái “ta” khi cái “tôi” hòa nhập với cộng đồng với cái chung. Dường như ước nguyện của cá nhân đã hòa với dòng chảy của muôn người. Đó chính là tâm niệm sống tốt đẹp mà nhà thơ luôn theo đuổi:
“Nếu là con chim, chiếc lá
Thì chim phải hót, chiếc là phải xanh
Lẽ nào vay mà không trả
Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình.”
(Một khúc ca xuân – Tố Hữu)
Là người cầm bút có trách nhiệm với cuộc sống, tin và yêu cuộc sống. Thanh Hải không mệt mỏi, không chịu bó tay, ngay cả khi nằm liệt giường ông vẫn băn khoăn: “Những vần thơ không biết – Có còn như xưa không ?”:
“Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời.
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.
Xuân về đúng vào thời gian mà nhà thơ đang bị trọng bệnh, nhưng sức sống mãnh liệt đến diệu kỳ của mùa xuân đã bừng nở trong tâm hồn của nhà thơ. Sức trẻ thôi thúc, rộn rã cùng nhịp đập với trái tim thi nhân đã giúp nhà thơ nhìn cuộc sống thiết tha, tràn đầy tin yêu và hi vọng. Âm điệu thơ lắng dần ở khổ thơ thứ tư rồi ngân dài ở những khổ sau. Đọc thơ ta như nghe được tiếng thì thầm, miên man của mùa xuân, của lòng người. Nhà thơ chỉ khiêm nhường xin làm “mùa xuân nho nhỏ” để tô thêm hương sắc cho quê hương, đất nước, góp phần làm nên một mùa xuân lớn của dân tộc. “Dâng” là hành động cống hiến, cho đi mà không cần nhận lại. Phép đảo ngữ nhằm nhấn mạnh khát vọng cống hiến chân thành của nhà thơ. Và có lẽ, điều khiến người đọc xúc động chính là sự khiêm nhường, không khoa trương mà chỉ “lặng lẽ”, âm thầm nhưng lại toàn tâm toàn ý. Điệp cấu trúc “dù là” và hình ảnh hoán dụ “tuổi hai mươi”, “khi tóc bạc” đã khiến cho lời thơ như là một lời hứa, một lời nhắc nhở với bản thân mình, đồng thời khẳng định sự tồn tại bền vững của những khát vọng sống, lí tưởng sống là cống hiến và hi sinh. Đoạn thơ là tiếng nói chân thật, nóng hổi rút ra từ ruột gan nhà thơ như người trồng vườn cố gắng trồng những hàng cây sau cùng trước khi nằm xuống sao cho có ích với đời. Điều đó xứng đáng để chúng ta suy ngẫm, học tập và noi theo.
Từ khúc ca xuân rộng lớn của thiên nhiên, đất nước, con người Thanh Hải đã đưa người đọc về thực tại bằng những làn điệu dân ca ngọt ngào, trữ tình của xứ Huế như tiếng mái chèo khua nhẹ trên dòng sông hương êm ả:
“Mùa xuân ta xin hát
Câu Nam Ai, Nam Bình
Nước non ngang dặm mình
Nước non ngàn dặm tình
Nhịp phách tiền đất Huế.”
Khép lại bài thơ nhà thơ “xin hát” lại những làn điệu dân ca quen thuộc của xứ Huế để hòa nhập vào dòng chảy thanh âm rộn rã, tưng bừng của mùa xuân, của đất nước. “Khúc Nam Ai” là khúc hát buồn thương, da diết để gợi con đường đầy hi sinh, gian khổ mà đất nước đã đi qua, “Khúc Nam Bình” là khúc nhạc êm ái dịu ngọt để gợi mùa xuân hiện tại với cuộc sống thanh bình, no ấm. “Nhịp phách tiền” là điệu nhạc rộn ràng để khép lại bài thơ, đó là giai điệu của cuộc sống mới, sức sống mới của dân tộc. Tình yêu đời, yêu cuộc sống trỗi dậy thật mãnh liệt, trở thành khúc hát tâm tình trong những dòng thơ cuối. Khúc hát đó thật cảm động, cao quý và đáng trân trọng biết bao.
Bài thơ có nhịp điệu hài hòa bởi cách ngắt nhịp linh hoạt, khi thì 2/3, 3/2 khi thì 1/4, nhịp thơ lúc nhanh, hối hả, lúc chậm rãi, suy tư… càng góp phần diễn tả không khí của lễ hội mùa xuân quê hương đất nước và cái dư vị mùa xuân trầm hung, sâu lắng của mùa xuân trong tâm hồn nhà thơ.
Bài thơ sử dụng thể thơ năm chữ giàu nhạc điệu, lời thơ bình dị, tình cảm chân thành, các biện pháp như so sánh, ẩn dụ, song hành, điệp ngữ… được vận dụng sắc sảo, tài tình. Tình yêu mùa xuân gắn lền với tình yêu quê hương, đất nước được Thanh Hải diễn tả một cách sâu sắc, cảm động.
“Mùa xuân nho nhỏ” ra đời cách đây bốn mươi năm, gần một phần hai thể kỳ là quá đủ để khẳng định giá trị bất hủ của một tác phẩm nghệthuật. Bài thơ khép lại nhưng âm thanh ngôn ngữ chở đầy chất thơ còn vang vọng, thấm thía trong suy tưởng của người đọc về quan niệm sống tích cực lấp lánh vẻ đẹp nhân văn của chính con người và cuộc đời nhà thơ: sống là phải ước mơ và cống hiến.
Cảm ơn Thanh Hải, người đã thả con diều nghệ thuật chất chứa những tình cảm đẹp về quê hương đất nước và con người, để rồi cánh diều ấy cũng như tiếng chim chiền chiện mùa xuân không tan loãng vào không trung mà ngưng đọng lại trong trái tim bao thế hệ. Một lần nữa, ta xin mượn lời thơ của nhà thơ Nga Raxun Gamzatốp để ngợi ca những đóng góp của Thanh Hải với đất nước với thơ ca và với cuộc đời:
“Thơ như bài hát ru, ngây ngất đầu giường thơ bé
Như mơ ước mùa xuân, như khát vọng chiến công
Tôi yêu thơ và thơ liền hiển hiện.
Thơ đã sinh ra, tình yêu cũng đến cùng.
Khi tôi nhỏ, thơ giống như bà mẹ,
Tôi lớn lên, thơ lại giống người yêu.
Chăm sóc tuổi già, thơ sẽ làm con gái,
Lúc từ giã cõi đời, kỉ niệm hóa thơ lưu…”
(Thơ ca - Raxun Gamzatốp)
Thầy Thành