Sang thu - Hữu Thỉnh

Thầy Thành 11/05/2021

                                                        THU KHÔNG MÀU

                                                                                       -Thân tặng các em học sinh lớp 9-

Ai trong chúng ta lại không mang trong tâm hồn mình một hình ảnh đẹp về mùa thu. Có thể bạn đã từng ngất ngây, choáng ngợp trước sắc “Thu vàng” của Lê-vi-tan; người khác lại bị mê hoặc bởi những âm thanh kì diệu, lãng mạn trong “Tiếng thu” rơi của Lưu Trọng Lư .Và còn biết bao mùa thu nữa... nhưng có một hình ảnh làm ta bất ngờ đó là cảnh giao mùa lúc “Sang thu” của nhà thơ Hữu Thỉnh.

Ngôn ngữ thơ có biết bao điều kì diệu về ngôn từ, điều đó hiện ra ngay ở nhan đề. Thế mà đôi lúc chúng ta lại lướt qua, một điều tưởng chừng như bình thường nhưng ở đây lại không thể. Nếu “thu sang” đã thể hiện một cấu trúc tương đối hoàn chỉnh thì hai tiếng “Sang thu” đã làm ta ngạc nhiên, việc thay đổi trật tự cú pháp đã để lại một sự dở dang như buổi giao mùa.

Ta càng bất ngờ hơn khi cụm từ “Bỗng nhận ra” đã mở đầu bài thơ. Hương ổi thân quen của làng quê đã tạo ra một hình ảnh lạ cho một bài thơ thu:

"Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se"

Lời thơ bắc cầu duyên dáng, động từ phả đã lan nhẹ, toả ra, bao trùm cả không gian. Cảm nhận mùi hương cau trong đêm trăng vườn mẹ, mùi sen thơm dịu nhẹ trong chiều hè bên ao làng không quá khó nhưng để cảm nhận được mùi hương ổi trong làn gió thoảng thì quả là tinh tế.

Bắt nguồn từ cảm giác ban đầu đó với một chút bỡ ngỡ, nhà thơ đưa mắt tìm cảnh vật, chẳng thấy ổi đâu mà chỉ có :

"Sương chùng chình qua ngõ"

Sương, một hình ảnh quen thuộc thường mang tính ước lệ thể hiện một không gian buồn vào mùa thu. Ta đã từng gặp “sương thu lạnh” trong ánh mắt của người chinh phụ, “sương nương theo trăng ngừng lưng trời” trong nỗi nhớ người thương. Nhưng ở đây, định ngữ chùng chình đã gợi biết bao cảm xúc cụ thể, chân thật !

Ba câu thơ như một lời giới thiệu, dẫn dắt người đọc chờ một cấu trúc qui nạp:

"Hình như thu đã về"

Điều mong chờ đã đến, tưởng rằng thu đã về nào ngờ từ tình thái hình như biến tất cả thành sự phỏng đoán chứ chưa khẳng định. Khổ thơ với những vần bằng dàn trải tạo cho ta cảm giác sâu lắng, mênh mông. Nhưng đây chỉ mới là khúc dạo đầu, là chất liệu để mở ra một không gian nghệ thuật bao la rộng lớn hơn. Và đến lúc này thu mới thực sự hiện ra, lan tỏa với biết bao vẻ đẹp của thiên nhiên:

"Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu"

Một bến sông êm đềm với dòng nước chảy xuôi, một cánh chim giữa trời mây mênh mông…là những đối tượng trữ tình quen thuộc của thơ ca. Nhưng tác giả đã thể hiện đặc tính vốn có của nó không theo một khuôn mẫu nào cả. Cảnh vật lúc giao mùa đã mang một sắc thái riêng, sống động chứ không ở dạng tĩnh. Tất cả đang chủ động chuyển động với nhiều sắc thái khác nhau : lúc "dềnh dàng", khi "vội vã" và đặc sắc hơn cả là hình ảnh "vắt nửa mình" để… sang thu. Những động từ tượng hình mang tính biểu cảm cao là nét tạo hình nghệ thuật đặc biệt của nhà thơ. Nhịp thơ dài, ngắn đã làm cho lời thơ giàu nhạc điệu. Ở đó, mọi cung bậc tình cảm đã thực sự làm rung động lòng người. Ai chưa từng một lần gối mình trên bãi vắng; ai chưa từng thả hồn theo áng mây trôi lững lờ... người đó khó có thể cảm nhận được nét duyên dáng trong tứ thơ này.

Mỗi người một hoàn cảnh, một lí lẽ nhưng vẻ đẹp của thiên nhiên với ai và lúc nào cũng là lời mời gọi. Vì thế, mạch thu lại cuốn lấy tác giả cùng những nét riêng của đất trời:

"Vẫn còn bao nhiêu nắng

Đã vơi dần cơn mưa"

Ở đây, không còn những từ láy, những hình ảnh đặc tả nên khiến người đọc ít chú ý nhưng các phó từ "vẫn", "còn","đã" taọ lại dựng nên một thời gian nghệ thuật phù hợp. Quá khứ đã qua nhưng không phải mất hẳn mà chỉ vơi dần và dù mùa thu có về thực sự thì ánh nắng vẫn còn dù không chói chang như những ngày hè. Chính tại đó, các từ "bớt", "vơi", "còn" đã hiện rõ một triết lí: hiện tại chỉ là bước kế tiếp nhuốm màu quá khứ mà thôi.

Mỗi khổ thơ là một nhịp cầu và một lần nữa cấu trúc đó lại xuất hiện ở hai dòng cuối, nó như nốt luyến trong bản nhạc tạo cho bài thơ một nhịp điệu đặc biệt:

“Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi.”

Hai câu thơ tưởng chừng tả cảnh nhưng đã ẩn chứa biết bao tâm sự và điều này đã được chính tác giả khẳng định: tôi đã dùng một ẩn dụ để nhắn gởi đến mọi người : nếu ai đã từng chiêm nghiệm về cuộc sống thì chẳng ngại gì trước những đổi thay của ngoại cảnh . Phải là người từng trải, phải là một thi sĩ tài năng tác giả mới có cái nhìn cảnh vật hồn nhiên và thể hiện cảm xúc mang đầy ý nghĩa triết lí như vậy. Nhà thơ cảm nhận thực tại không chỉ bằng cặp mắt của người hoạ sĩ, bằng tâm hồn thi nhân mà còn bằng kinh nghiệm của những năm tháng lăn lộn trên chiến trường Trường Sơn thời chống Mỹ.

Một bài thơ ngũ ngôn chỉ vỏn vẹn có ba khổ với cảm nhận tinh tế, ngôn từ bình dị trong sáng đến mộc mạc tác giả Hữu Thỉnh đã thành công trong một chủ đề quen thuộc: mùa thu. Bằng phương pháp tả thực kết hợp với các yếu tố lãng mạn, ông đã nén vào tác phẩm một nội dung lớn gồm nhiều tầng ý nghĩa, mượn cảnh buổi giao mùa để thể hiện những triết lí về cuộc sống.

Vườn thơ thu Việt Nam có rất nhiều hoa lá, màu sắc… Hữu Thỉnh đã góp vào đó một sắc riêng: một mùa thu rất hiện đại về hình ảnh, ngôn từ; một trời thu không một chiếc lá rơi, không một ánh vàng: Thu không màu.

                                                                                                                        Mùa thu 2007

Nguồn: Đây là bài viết của Thầy Phạm Đình Thành thầy giáo của Thầy Nguyễn Tấn Thành. Quý đồng nghiệp và học sinh có sử dụng bài viết này vui long trích dẫn rõ nguồn bài viết.

 

Bạn đang xem: Sang thu - Hữu Thỉnh

THẦY LUÔN SẴN SÀNG
GIÚP ĐỠ BẠN

Hỗ trợ trực tuyến

Để được hỗ trợ tốt nhất. Hãy gọi

HOẶC

Chat hỗ trợ trực tuyến

Chat với chúng tôi
Danh mục bài viết
Bài viết liên quan

Lịch học

;