Đồng chí - Chính Hữu
Chính Hữu là nhà thơ trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Thơ của Chính Hữu vừa hàm súc, vừa trí tuệ; ngôn ngữ giàu hình ảnh; giọng điệu phong phú: Khi thiết tha, trầm hùng, khi thì sâu lắng, hàm súc. Trong số các sáng tác của ông phải kể đến bài thơ “Đồng chí”. Bài thơ được sáng tác vào năm 1948 sau khi tác giả tham gia chiến dịch Việt Bắc Thu – Đông (1947). Bài thơ đã khám phá và ca ngợi một tình cảm đẹp của người lính cách mạng, đó là tình đồng chí đồng đội thiêng liêng sâu nặng nhưng cũng thật gần gũi và giản dị:
Quê hương anh nước mặn đồng chua
…
Đầu súng trăng treo.
Ngôn ngữ thơ có biết bao điều kì diệu về ngôn từ, điều đó hiện ra
ngay ở nhan đề. Thế mà đôi lúc chúng ta lại lướt qua, một điều tưởng chừng như
bình thường nhưng ở đây lại không thể. “Đồng chí” là những người chung chí hướng,
lí tưởng, đồng chí còn gợi về một loại tình cảm mới, một tình cảm đặc biệt xuất
hiện phổ biến trong những năm tháng cách mạng kháng chiến.
Trong
cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, những chiến sĩ dũng cảm, kiên cường chiến đấu
bảo vệ Tổ quốc không ai khác chính là những người nông dân mặc áo lính. Từ cuộc
đời thật họ bước vào trang thơ và tỏa sáng một vẻ đẹp mới, vẻ đẹp của tình đồng
chí, đồng đội:
“Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá.
Mở đầu bài thơ tác giả đã sử dụng cấu trúc
sóng đôi “Quê hương anh” và “làng tôi” đã gợi nên sự tương đồng trong cảnh ngộ
của người lính. Họ đến từ những miền quê khác nhau nhưng họ luôn có sự đồng cảm
với sự khó khăn, thiếu thôn của nhau. Tác giả đã mượn thành ngữ dân gian “nước
mặn đồng chua” để nói về những vùng nước trũng, vùng ngập mặn ven biển rất khó
làm ăn và canh tác. Cái đói, cái nghèo như manh nha từ trong làn nước. Và cách
nói sáng tạo từ tục ngữ “đất cày nên sỏi đá” đã gợi cho chúng ta liên tưởng đến
những vùng trung du, miền núi, đất đá bị ong hóa, bạc màu gây khó khăn trong việc
sản xuất nông nghiệp. Cái đói, cái nghèo như ăn sâu từ trong lòng đất. Những từ
ngữ xưng hô “anh”, “tôi” kết hợp với giọng thơ nhẹ nhàng, hàm súc đã biến hai
câu thơ trở thành lời thủ thỉ, tâm tình của hai người lính, đồng thời thể hiện
sự gần gũi, thân thương đang nảy nở trong tâm hồn họ. Những người lính mỗi người
mỗi nơi, kẻ ở miền xuôi, người ở miền ngược nhưng họ đều xuất thân từ những miền
quê nghèo khó. Đó chính là cơ sở đồng cảm giai cấp giữa những người lính là sợi
dây tình cảm gắn kết họ lại với nhau, để rồi từ đây họ trở thành đồng chí, đồng
đội của nhau.
Càng chịu nhiều áp bức bởi chính quyền thực
dân, họ càng thêm yêu quê hương và muốn đấu tranh giải phóng cho dân tộc, họ từ
những con người xa lạ từ mọi phương trời tề tựu về dưới lá cờ cách mạng:
“Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau
Súng bên súng, đầu sát bên đầu.”
Từ những con người chưa quen biết, họ đã gặp
nhau ở một điểm chung đó là: cùng chung nhịp đập trái tim, chung một lòng yêu
nước và lí tưởng cách mạng. Những cái chung đó đã thôi thúc họ lên đường nhập
ngũ. Giống như những anh lính trong “Nhớ”
của Hồng Nguyên:
“Lũ chúng tôi
Bọn người tứ xứ,
Gặp nhau hồi chưa biết chữ
Quen nhau từ buổi “Một hai”
Súng bắn chưa quen,
Quân sự mươi bài
Lòng vẫn cười vui kháng chiến”
Hình ảnh thơ “Súng bên súng, đầu sát bên đầu”
mang ý nghĩa tượng trưng sâu sắc, diễn tả sự gắn bó của người lính trong cuộc đời
quân ngũ. “Súng bên súng” là cách nói hình tượng để diễn tả về những người lính
cùng chung lí tưởng, nhiệm vụ chiến đấu. Họ ra đi để giải phóng cho quê hương
và cho chính cuộc đời họ. Còn “đầu sát bên đầu” là lối nói hoán dụ, tượng trưng
cho ý chí quyết tâm chiến đấu của những người lính trong cuộc kháng chiến trường
kỳ của dân tộc. Điệp từ “Súng, bên đầu” càng khiến cho câu thơ thêm chắc khỏe đồng
thời nhấn mạnh sự gắn kết, chung lí tưởng và nhiệm vụ chiến đấu. Nếu như ở hai
dòng thơ đầu “Anh” – “tôi” được đặt trên mỗi dòng thơ thì đến đây “Anh với tôi”
được đặt ngay trên cùng một dòng thơ để diển tả sự khắn khít, không thể tách rời
giữa những người lính. Sau những lời thủ thỉ tâm tình về xuất thân, về lí tưởng
họ càng hiểu nhau và thân thiết với nhau hơn. Chính lí tưởng và mục đích chiến
đấu là điểm chung lớn nhất để người lính gắn kết với nhau và trở thành đồng
chí, đồng đội của nhau.
Bằng hình ảnh thật cụ thể, giản dị mà giàu
sức gợi, tác giả đã miêu tả rõ nét tình cảm của những người lính:
“Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ”
Hình
ảnh “Đêm rét chung chăn” đã khái quát hết những khắc nghiệt, gian khổ mà người
lính phải trải qua. Trong hoàn cảnh ấy họ đã truyền cho nhau hơi ấm để vượt qua
cái giá lạnh của núi rừng. Đó là một hình ảnh đẹp , chân thực và đầy ắp kỉ niệm.
Đắp chung chăn đã trở thành biểu tượng của tình đồng chí. Nó khiến những con
người “xa lạ” sát lại gần nhau, “quen nhau” để rồi giờ đây họ trở thành “tri kỉ”
của nhau. Cả bài thơ chỉ có một chữ “chung” nhưng đã bao hàm được ý nghĩa sâu sắc
và khái quát của toàn bài: chung cảnh ngộ, giai cấp, chung chí hướng, lí tưởng
giải phóng dân tộc và chung cả những khó khăn, gian khổ.
Khép lại đoạn thơ là câu thơ có một vị trí
đặc biệt, nó được cấu tạo bởi hai từ nhưng khi vang lên lại tạo nên nhiều cảm
xúc và suy nghĩ cho người đọc:
“Đồng chí!”
Hai từ “Đồng chí” vang lên như một cấu
trúc trúc quy nạp khẳng định tình đồng chí thiêng liêng dựa trên những cơ sở
hình thành. Đồng thời nó còn thể hiện cảm xúc bị dồn nén, được thốt ra như một
cao trào của cảm xúc, trở thành tiếng gọi thiết tha của tình đồng chí, đồng đội.
Dòng thơ đặc biệt ấy còn được xem như là cái bản lề gắn kết: nó khái quát ý của
đoạn thơ trước và mở ra ý thơ của đoạn sau. Dấu chấm cảm đi kèm với hai tiếng ấy
chất chứa bao trìu mến, yêu thương. Đoạn thơ đã đi sâu vào khám phá, lí giải những
cơ sở hình thành tình đồng chí. Đồng thời tác giả đã cho thấy sự biến đổi kì diệu
từ những người nông dân hoàn toàn xa lạ trở thành người đồng chí, dồng đội sống
chết có nhau.
Không chỉ dừng lại ở việc lí giải những cơ
sở hình thành tình đồng chí, tác giả còn đi sâu vào khám phá và ca ngợi những
biểu hiện của tình đồng chí, đồng đội:
“Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay”
Họ thấu hiểu cảnh ngộ, mối bận lòng của
nhau. Đó là hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, neo người, thiếu sức lao động. Các
anh ra đi đánh giặc để lại nơi hậu phương với bộn bề công việc đồng áng, phải
nhờ người thân giúp đỡ. Cuộc sống gia đình các anh vốn đã nghèo khó nay càng
thêm thiếu thốn. Hình ảnh “gian nhà không” đã diễn tả hết cái nghèo về vật chất
trong cuộc sống gia đình các anh, đồng thời diễn tả sự thiếu vắng các anh – người
trụ cột trong gia đình. “Ruộng nương” và “căn nhà” là tài sản quý giá, gần gũi,
gắn nhất đối với người nông dân, chúng ta vẫn còn nhớ cái chết đầy thương tâm của
Lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao, chỉ vì muốn giữ lại mảnh
vườn và căn nhà cho con Lão Hạc đã tìm đến cái chết thật đau đớn. Ấy vậy mà người
lính lại sẵng sang ra đi hi sinh lợi ích riêng tư vì lợi ích chung, vì lí tưởng
giải phóng dân tộc, vì độc lập tự do. Từ “mặc kệ” đã thể hiện thái độ dứt khoát,
quyết tâm ra đi của người lính. Hình ảnh đẹp ấy còn được nhà thơ Nguyễn Đình
Thi ghi lại trong bài “Đất nước”:
“Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng
thềm nắng lá rơi đầy”
Các anh ra đi mang theo nỗi nhớ quê nhà da
diết, thường trực trong tâm hồn:
“Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính”
Hình ảnh “Giếng nước gốc đa nhớ người ra
lính” vừa được sử dụng như một hình ảnh ẩn dụ vừa được sử dụng như một phép
nhân hóa diễn tả một cách tự nhiên và tinh tế tâm hồn người lính. Họ không giấu
được nỗi nhớ nhà và nỗi nhớ người thân cũng như không ngừng nghĩ về những người
mẹ, người vợ, người yêu… đang ở quê trông ngóng ngày họ trở về. Hình tượng người
lính trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống pháp đã hiện lên tràn đầy khí
thế, kiên cường, quyết tâm ra đi bảo vệ Tổ quốc.
Phải là người sống và chiến đấu trên những
cánh rừng Tây Bắc những năm tháng kháng chiến chống Pháp, phải là người từng chứng
kiến những cơn sốt rét rừng đến vàng vọt thì Chính Hữu mới hiểu hết những khó
khăn, gian khổ mà người lính Tây Bắc năm ấy phải trải qua:
“Tôi với anh biết từng cơn ớn lạnh
Sốt run người vầng tráng ướt mồ hôi”
Bằng bút pháp tả thực, hình ảnh thơ chọn lọc
nhà thơ đã tái hiện một cách chân thực và sinh động đồng cuộc sống, chiến đấu
mà người lính phải trải qua đồng thời thể hiện sự đồng cảm sâu sắc với những hi
sinh của họ. Hình ảnh “từng cơn ớn lạnh”, “Sốt run người”, “vầng tráng ướt mồ
hôi” đã tái hiện một sự khắc nghiệt đến cùng cực của những cơn sốt rét rừng
đang tàn phá cơ thể người lính và có những người lính không qua khỏi, họ phải nằm
lại nơi núi rừng Tây Bắc. Hình ảnh ấy ta đã từng bắt gặp trong thơ của Quang
Dũng:
“Rải rác biên cương mồ viễn xứ,
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh.
Áo bào thay chiếu, anh về đất,
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.”
(Tây Tiến)
Có thể nói, trong những cơn sốt rét rừng ấy,
sự quan tâm, lo lắng giữa những người lính đã trở thành hơi ấm, điểm tựa vững
chắc để họ vượt qua gian khổ, khó khăn.
Không chỉ đối diện với sự khắc nghiệt của
thiên nhiên trong sự thiếu thốn về thuốc men mà người lính còn đối mặt với sự
thiếu thốn về vật chất, trang bị thiết yếu:
“Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
….
Chân không giày.”
Thủ pháp liệt kê: “Áo rách vai”, “quần vài
mảnh vá”, “chân không giày” đã miêu tả một cách cụ thể, sinh động những thiếu
thốn của người lính. Đó là những chi tiết rất thật, chắt lọc từ thực tế cuộc sống
của họ. Tác giả đã tạo dựng nên những hình ảnh sóng đôi, đối xứng nhau đê diễn
tả sự gắn kết, đồng cảm giữa những người lính. Những khó khăn gian khổ càng được
tô đậm khi tác giả đặt sự thiếu thốn bên cạnh sự khắc nghiệt của núi rừng. Dường
như làn da của của người lính phải tiếp xúc trực tiếp với cái rét, sương muối, còn
đôi chân trần phải làm bạn với chông gai, sên vắt của núi rừng. Hình ảnh ấy thật
giản dị nhưng cũng thật cao đẹp:
“Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm
Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa”
(Ngày
về - Chính Hữu)
Đây là những hình ảnh chân thực về anh bộ
đội thời kì đầu kháng chiến. Đầy những gian nan, thiếu thốn nhưng các anh vẫn
xé rừng mà đi, đạp núi mà tiến.
Vẫn tưởng rằng những khó khăn gian khổ ấy
đã giết chết ý chí của người lính, làm cho họ gục ngã. Nhưng không ở họ vẫn hiện
lên ý chí kiên cường và lòng lạc quan cách mạng:
“Miệng cười buốt giá”
Hình ảnh “miệng cười buốt giá” đã cho thấy
thái độ lạc quan, coi thường thử thách để vượt lên khó khăn và hoàn thành tốt
nhiệm vụ của họ. Càng về cuối khổ thơ, những cảm xúc thiêng liêng về tình đồng
chí, đồng đội như lắng đọng lại qua những hình ảnh thơ rất thực và rất cảm động,
chứa đựng biết bao ý nghĩa:
“Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”
Những cái nắm tay chất chứa bao yêu
thương, trìu mến. Rõ ràng, tác giả đã lấy sự thiếu thốn đến cùng cực về vật chất
để tô tậm sự giàu có vô cùng về tinh thần. Cái nắm tay là lời động viên chân
thành để những người lính cùng nhau vượt qua khó khăn đồng thời cái nắm tay ấy
cũng là sự cảm thông, truyền cho nhau hơi ấm, sức mạnh và đó còn là lời hứa lập
công giết giặc, chiến đấu và chiến thắng quân thù. Có lẽ không ngôn từ nào có
thể diễn tả cho hết tình đồng chí thiêng liêng ấy. Chính những tình cảm, tình
đoàn kết gắn bó đã nâng đỡ bước chân người lính và sưởi ấm tâm hồn họ trên mọi
nẻo đường chiến đấu.
Khép lại bài thơ là bức tranh đẹp đẽ về sức
mạnh của tình đồng chí, đồng đội:
“Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng dạnh
bên nhau chờ giặc tới”
Bức tranh được xây dựng với thời gian là một
đêm phục kích chờ giặc và không gian là sự khắc nghiệt của cánh rừng hoang phủ
đầy sương muối. Trên nền của bức tranh ấy người lính dần xuất hiện với tâm thế “đứng
cạnh bên nhau”. Hình ảnh ấy đã cho thấy tinh thần đoàn kết, sát cánh bên nhau
trong mọi hoàn cảnh. Tư thế “chờ giặc tới” là một tư thế chủ động, hiên ngang,
sẵng sang chiến đấu của người lính.
Bài thơ kết thúc bằng hình ảnh rất độc
đáo, là điểm sáng của bức tranh về tình đồng chí, đồng đội rất thực và cũng rất
lãng mạn:
“Đầu súng trăng treo”
Đó là hình ảnh tả thực về những đêm hành
quân, phục kích chờ giặc, nhìn từ xa vầng trăng như hạ thấp ngang trời. Trong tầm
ngắm, người lính đã phát hiện một điều thú vị bất ngờ: trăng lơ lửng như treo
trên đầu mũi sung. Bên cạnh đó hình ảnh này cũng rất lãng mạn bởi lẽ giữa không
gian căng thẳng, khắc nghiệt lại “treo” một vầng trăng lung linh, rất thơ mộng.
Hình ảnh “đầu súng trăng treo” còn là hình ảnh giàu ý nghĩa. “Đầu súng” là tượng
trưng cho chiến sĩ, chiến tranh còn “Trăng treo” là hình ảnh tượng trưng cho
nhà thơ, người thi sĩ. Điều đó cho thấy chất thơ vẫn toát lên trong đời lính giữa
hiện thực khốc liệt hay là vẻ đẹp của tâm hồn người lính – họ luôn hướng về một
tương lai tươi sáng. Hình ảnh này xứng đáng trở thành biểu tượng của thơ ca
kháng chiến: một nền thơ có sự kết hợp hài hòa giữa chất liệu hiện thực và cảm
hứng lãng mạn.
Bằng việc sử dụng lối miêu tả chân thực, tự nhiên
nhưng cũng giàu sức gợi kết hợp với việc lựa chọn từ ngữ, hình ảnh giản dị, giàu
ý nghĩa biểu tượng và giọng điệu tự nhiên, trầm bỗng thể hiện cảm xúc dồn nén
chân thành. Chính Hữu đã thành công trong việc khám phá và ca ngợi tình đồng
chí, đồng đội thiêng liêng. Đồng thời, bài thơ còn nêu bật lên hình ảnh chân thực,
giản dị và cao đẹp của anh bộ đội cụ Hồ thời kì đầu kháng chiến chống Pháp.
Cảm ơn nhà thơ Chính Hữu, người đã thả con diều nghệ
thuật để đưa tác phẩm “Đồng chí” đến gần hơn với bạn đọc. Tác phẩm sẽ vẫn mãi
là ngôi sao sáng trên bầu trời văn học nghệ thuật hiện đại Việt Nam và hình ảnh
người lính Cụ Hồ sẽ sống mãi cùng non song bờ cõi:
Có biết bao người con gái, con trai
Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt, đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước.
(Đất Nước trích
Trường ca mặt đường khát vọng – Nguyễn
Khoa Điềm)
Thầy Thành